UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương vào cuộc rà soát, kiểm tra hoạt động của các trường, lớp mầm non, nhất là hoạt động của các trường, lớp mầm non tư thục sau sự cố bé 5 tuổi bị bỏ quên trong ô tô đưa đón dẫn đến cháu bé tử vong.
Lãnh đạo các sở, ngành thuộc tỉnh Thái Bình thăm hỏi, động viên gia đình cháu bé T.G.H, sáng 30/5.
Sáng 30/5, UBND tỉnh Thái Bình gửi công văn tới các sở, ngành, địa phương về việc chấn chỉnh hoạt động của các trường mầm non và việc đưa đón trẻ em, đảm bảo môi trường an toàn khi trẻ đến trường.
Theo UBND tỉnh Thái Bình, thời gian qua, công tác xã hội hóa giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập được thành lập đã góp phần nâng tỷ lệ đưa trẻ trong độ tuổi đến trường đạt cao so với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động nuôi dạy trẻ ở các trường, lớp, cơ sở giáo dục mầm non, nhất là cơ sở mầm non ngoài công lập chưa chặt chẽ, công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; việc quản lý các phương tiện đưa đón trẻ em đang tồn tại nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Cá biệt, ngày 29/5 tại Trường mầm non tư thục Hồng Nhung 2 (xã Phú Xuân, TP. Thái Bình) xảy ra vụ việc một cháu bé tử vong sau khi được tìm thấy trên xe đưa đón học sinh của nhà trường.
Để kịp thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và việc đưa đón trẻ, bảo đảm môi trường an toàn khi trẻ đến trường, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu các huyện, thị rà soát, kiểm tra hoạt động của các trường, lớp mầm non, nhất là hoạt động của nhóm, lớp mầm non tư thục, các nhóm trẻ gia đình; kiên quyết xử lý, đóng cửa các cơ sở không đủ điều kiện, xử lý nghiêm các trường hợp trông giữ trẻ không phép trên địa bàn; tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy chế chuyên môn đối với hoạt động chăm sóc, nuôi dạy trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn cho trẻ.
Chiếc xe đưa đón học sinh Trường mầm non tư thục Hồng Nhung 2.
UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể xây dựng, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để trẻ em được học tập và rèn luyện.
Ký kết, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, các phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực học đường; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông… tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh tiếp tục thực hiện các chỉ đạo về tăng cường các giải pháp an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng ô tô; phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm; chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm môi trường an toàn khi trẻ đến trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các cơ sở giáo dục có sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định; lái xe phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định và thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn giao thông; xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đưa đón học sinh bằng xe ô tô; phải có sự thống nhất giữa nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình học sinh. Khi ký kết hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải phải xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm của các bên liên quan về an toàn giao thông, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng cho học sinh.
UBND tỉnh Thái Bình họp chỉ đạo công tác thanh, kiểm tra sau khi phát hiện sự việc.
Nhà trường phải phân công giáo viên hoặc nhân viên có kinh nghiệm đã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng an toàn về giao thông tham gia đưa đón học sinh bằng xe ô tô. Chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, đảm bảo trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định, kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe, khi lên, xuống xe ô tô.
Bàn giao học sinh cho giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm, thông báo kịp thời cho gia đình khi học sinh vắng mặt chưa rõ lý do.
Công an tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT, các huyện tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, xử lý các tình huống có thể xảy ra khi tham gia giao thông, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông nhất là vi phạm nguy cơ gây tai nạn.
Như Tiền Phong đã đưa tin, 6h20 ngày 29/5, tài xế N.V.L và cô giáo P.Q.A có nhiệm vụ đưa đón trẻ mầm non từ nhà đến Trường mầm non tư thục Hồng Nhung 2 (xã Phú Xuân, TP. Thái Bình), trong đó có cháu T.G.H (sinh năm 2019, ở huyện Vũ Thư). 17h cùng ngày, người thân đến đón không thấy bé T.G.H nên báo cáo nhà trường tìm kiếm, phát hiện cháu vẫn ở trên xe đưa đón học sinh của trường. Mặc dù cháu bé đã được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu nhưng bé đã tử vong.
Đêm 29/5, Công an TP. Thái Bình đã khởi tố vụ án "Vô ý làm chết người", quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự đối với vụ trẻ mầm non 5 tuổi bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón học sinh dẫn đến tử vong vào chiều 29/5, để điều tra làm rõ.
Nguồn: https://tienphong.vn/thai-binh-chi-dao-khan-sau-su-co-be-5-tuoi-bi-bo-quen-trong-o-to-dua-don-po...