(VTC News) - Nhiều cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ âm thầm đứng lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch để giúp người đi trước bước về nơi an toàn một cách nhanh hơn.
14 ngày được coi là mốc hoàn thành thời gian thực hiện cách ly y tế tập trung của công dân, nhưng đối với nhiều cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch của tỉnh biên giới Điện Biên đây lại là mốc khởi đầu cho những nhiệm vụ mới.
Họ cũng là những người chiến sĩ âm thầm dám đứng lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch bệnh nguy hiểm để đón nhận những khó khăn mới, thách thức mới, giúp người đi trước bước về nơi an toàn một cách nhanh hơn.
Khi chiếc xe chở các công dân cuối cùng hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày lăn bánh cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 741 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên) khẩn trương bắt tay vào tổng vệ sinh lại một lần nữa toàn bộ khuôn viên. Những bộ chăn màn được giặt sạch sẽ, phơi khô, xếp gọn lại vuông vức, giường được lau chùi lại sạch sẽ. Các phòng ở đều được phun khử khuẩn, sân vườn quét sạch lá.
Trung tá Trịnh Xuân Dũng, Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 741, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên cho biết: "Để bảo đảm tốt nhất, sẵn sàng tiếp nhận các đợt công dân cách ly tiếp theo, Trung đoàn chúng tôi phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng phun thuốc khử trùng toàn bộ cơ sở vật chất cũng như doanh trại của đơn vị. Tổ chức các bộ phận tổng dọn vệ sinh, giặt giũ chăn chiếu, màn…
Theo tư tưởng chống dịch như chống giặc thì mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều nêu cao tinh thần quyết tâm, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ mà tỉnh giao cho đơn vị".
Chỉ còn 4 ngày nữa là hộ lý Phạm Thị Thanh, cán bộ Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ tròn 1 tháng thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly y tế tập trung Bệnh xá Quân y 40, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên.
Gần 1 tháng qua, chị cùng 2 nữ cán bộ khác của trung tâm đã tận tình chăm sóc sức khỏe, chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ của hơn 200 công dân vào đây đồng thời điểm.
Giờ đây, khi 100% công dân tại bệnh xá đã hoàn thành thời gian cách ly, trở về với gia đình, chị cùng mọi người lại thực hiện tự cách ly thêm 14 ngày nữa và dành khoảng thời gian này để vệ sinh sạch sẽ lại tất cả trang thiết bị vật tư y tế, khử khuẩn toàn bộ khuôn viên khu cách ly.
Dù công việc còn lại vẫn nhiều vất vả, thời gian ở lại bệnh xá còn dài, nhớ người thân, gia đình, nhưng chị cũng như các cán bộ tại đây đều thấy tự hào vì đã hoàn thành trọng trách cao cả được giao.
"Nhiều lúc thì cũng phải động viên mọi người, buồn đi chăng nữa, công việc có áp lực đi chăng nữa thì thôi cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ cho những người cách ly một cách tốt nhất để cho họ trở về với gia đình. Trong cái niềm vui là mọi người đã được ra rồi chúng tôi cũng muốn được làm sao cho nó hết 14 ngày để được về với gia đình", chị Phạm Thị Thanh chia sẻ.
Về nhà, về với gia đình, việc làm tưởng chừng như quá đỗi đơn giản ấy nhưng giờ lại là niềm khao khát của biết bao người chiến sĩ áo xanh, áo trắng đang ngày đêm âm thầm chống dịch nơi tuyến đầu.
Khi những công dân còn lại tại khu cách ly y tế tập trung Tà Lèng, thành phố Điện Biên Phủ chìm vào giấc ngủ, trong căn phòng nhỏ phía cuối hành lang của dãy nhà cách ly, hộ lý Trần Thị Đào, cán bộ Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ tranh thủ sắp xếp lại tư trang, rồi thu mình trên giường thổn thức ngắm nhìn chồng, nói chuyện với con qua điện thoại.
Có những lúc không kìm được nỗi nhớ, chị cũng bật khóc nấc lên từng tiếng nhưng chưa bao giờ để chồng và con trai nhỏ nhìn thấy những giọt nước mắt đang lăn trên má.
Con nhỏ, chồng thường xuyên đi công tác xa nhà, lại không có người thân khác hỗ trợ, nên khi nhận quyết định điều động tham gia thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly tập trung, chị không khỏi lo lắng. Nhưng với suy nghĩ “Mình là nhân viên ngành y, nếu không tham gia thì ai là người chống dịch”?.
Đây cũng động lực để chị tự động viên chính mình vượt qua khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
"Ông bà thì không có đây, con thì nhỏ, bố cháu thì đi làm xa nên cũng băn khoăn lo lắng, nhưng vì công việc thì mình cũng phải thực hiện thôi và cố gắng sắp xếp nói chuyện với chồng. Sau khi đã vào đây rồi thì được sự quan tâm của các đồng chí, các ban ngành chúng tôi cũng yên tâm và cố gắng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ mình được giao", chị Trần Thị Đào tâm sự.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai” trong cuộc chiến gian nan chống dịch bệnh nguy hiểm như hiện nay, đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ tại các khu cách ly y tế tập trung tại Điện Biên đã không ngại đón nhận gian khổ về mình.
Sự hy sinh thầm lặng ấy cho chúng ta thêm cảm phục tinh thần hết lòng vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân mà hy sinh của những người lính quân đội nhân dân Việt Nam.
Video: Ngày 18/4, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19
Tin mới
- Quyền tự vệ khi đấu súng với cảnh sát Mỹ - 20/04/2020 16:29
- Vì sao dân Mỹ biểu tình chống phong tỏa? - 20/04/2020 16:28
- Pháp phát hiện dấu vết của Covid-19 trong nước rửa, tưới đường phố - 20/04/2020 16:26
- Thổ dân bộ lạc lớn nhất Amazon mắc COVID-19, nguy cơ dịch quét sạch cộng đồng - 18/04/2020 17:57
- Trung Quốc '5 lần 7 lượt' đổi cách tính và đưa số liệu đầy hoài nghi về COVID-19 - 18/04/2020 17:54
Các tin khác
- 5 lãnh đạo MobiFone bị khởi tố vì liên quan thương vụ AVG - 26/08/2019 15:33
- Trung tâm ngoại ngữ truyền đạo trái phép hoạt động ra sao? - 26/08/2019 15:31
- Cảnh sát chặn bắt 140 thanh niên cổ vũ, đua xe trái phép ở Hậu Giang - 26/08/2019 15:28
- Trao gửi yêu thương cùng Cộng đồng người Việt ở châu Âu - 15/02/2019 15:27
- Cả nghìn người đến chiêm bái chùa Tam Chúc lớn nhất thế giới - 15/02/2019 15:15